Thay vì tráng nước toàn bộ chén đĩa trước khi cho vào máy rửa, người dùng được khuyến cáo chỉ nên làm sạch các cặn thức ăn lớn.
Một số người có thói quen tráng chén, đĩa với nước một lượt trước khi cho vào máy rửa chén. Quá trình tráng giúp loại bỏ những mảng thức ăn, một phần dầu mỡ còn bám trên đồ.
Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất máy rửa chén cùng các hãng chất tẩy rửa cho rằng người dùng thực sự không cần tráng cặn đồ ăn trước khi cho đồ vào máy rửa chén.
Theo cây viết Sarah Showfety của Lifehacker, có nhà sản xuất viên tẩy rửa còn khuyên không tráng sạch đồ ăn thừa vì sẽ làm ảnh hưởng đến quy trình hoạt động của máy.
Đồ ăn thừa giúp máy hoạt động đúng cách
Có lẽ chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi thói quen tráng chén đĩa bằng nước của các bà, các mẹ. Tuy nhiên, máy rửa chén được phát minh trong ngày nay đã vượt xa thời đại ấy rất lâu rồi.
|
Không cần tráng nước khi cho chén đĩa vào máy rửa. |
“Chúng ta không cần phải tráng nước trước khi sử dụng máy, vì chúng đều được trang bị bộ cảm biến giúp điều chỉnh chu kỳ rửa tùy thuộc vào độ sạch sẽ của chén đĩa”, Consumer Reports viết trong hướng dẫn dùng máy rửa chén. Thậm chí, việc tráng qua nước còn làm bộ cảm biến này nhầm lẫn lượng cặn bẩn có trong bồn rửa.
Theo Wall Street Journal, nhiều máy rửa chén của hãng Whirlpool được tích hợp cài đặt “TargetClean”. Với 40 vòi phun chuyên dụng, tính năng giúp nhận biết liệu thức ăn có còn thừa trên chén đĩa hay không, đồng thời đánh bay phần cặn còn thừa. Nếu nhận thấy chén đĩa đã sạch, máy sẽ không khởi động tính năng này.
Mặt khác, Cascade, hãng chuyên cung cấp viên tẩy rửa, cảnh báo người dùng không nên tráng nước trước, ngoại trừ những mảng thức ăn lớn bám trên bề mặt chén đĩa, theo Wall Street Journal.
Các enzyme trong viên tẩy Cascade có khả năng dính chặt vào cặn bẩn. “Nếu không có thức ăn thừa, những enzyme này sẽ không có chỗ bám và trở nên mất tác dụng”, trang tin cho hay.
Tráng nước thì… tốn nước
Consumer Reports ước tính con người tốn 7-22 lít nước/phút khi tráng chén. Còn theo Cascade, chúng ta dùng gần 57 lít nước cho mỗi lần rửa sơ chén đũa như thế này. Trung bình một hộ gia đình cần rửa chén 215 lần mỗi năm, đồng nghĩa với việc tiêu tốn hơn 12.000 lít nước cho mỗi việc tráng nước.
Máy rửa chén được sản xuất trước năm 1994 dùng khoảng 38 lít/chu kỳ rửa, trong khi đó các dòng máy đời mới hiện nay sẽ tiết kiệm hơn. Trong năm 2013, nhiều tiêu chuẩn mới dành cho máy làm sạch chén đĩa đã được đặt ra.
|
Việc tráng qua trước khi cho đồ vào máy rửa chén có thể phản tác dụng. |
Trong đó, mỗi máy chỉ được dùng 20 lít nước/lần rửa, Cnet cho biết. Các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng thậm chí còn có thể dùng ít hơn 11 lít nước.
Không chỉ thế, lượng năng lượng cần thiết để làm nóng số nước vừa nêu cũng là một vấn đề. Theo Cnet, những mẫu máy mới nhất có bộ sưởi bên trong giúp làm nóng nước hiệu quả hơn cả bình nóng lạnh thông thường. Nếu được dán nhãn, những thiết bị này còn có thể tiết kiệm năng lượng hơn cả khi rửa chén bằng tay.
“Nếu đã mua máy rửa chén thì vứt miếng bọt biển vệ sinh đi là vừa”, Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC) đưa ra lời khuyên. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng người dùng chỉ nên làm sạch các cặn thức ăn lớn thay vì tráng nước toàn bộ chén đĩa trước khi cho vào máy rửa.
Đừng cố nhồi nhét chén đĩa
Đương nhiên, để máy hoạt động hết công suất, người dùng cần biết cách sử dụng chúng đúng cách.
|
Chén, đũa, muỗng nên được sắp xếp hợp lý trong rổ đựng. |
Sau khi đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp, hãy chắc chắn rằng bạn đã đặt ly, chén và những vật dụng làm bằng nhựa trên rổ đựng phía trên, còn đĩa, tô thì để xuống dưới. Muỗng, đũa, dao, nĩa thì lồng vào các khe rãnh để tránh bị kẹt vào nhau.
Đừng quên chừa khoảng trống để nước và xà phòng có thể len qua và làm sạch chén đĩa, đồng thời lượng chén cũng phải vừa đủ để máy vận hành. “Sử dụng máy rửa chén khi đã đầy sẽ giúp tiết kiệm 1 chồng chén đĩa/tuần và khoảng 1.200 lít nước/năm cho gia đình”, EPA cho biết.
Ngoài ra còn có một số vật dụng không nên cho vào máy rửa mà phải rửa thủ công.