Nhịn đi vệ sinh vì căn hộ bị cắt nước sinh hoạt

12/02/2023

Đơn vị quản lý vận hành thu phí không đúng với thỏa thuận ban đầu nên một số cư dân tại Centana Thủ Thiêm không đóng phí quản lý, bị cắt nước sinh hoạt.

Cư dân đi làm về, phát hiện căn hộ bị cắt nước sinh hoạt.

Chiều 06/04, đi làm về nhà thì anh T. (cư dân chung cư Centana, Tp. Thủ Đức) phát hiện căn hộ của mình bị cắt nước. Không thể sinh hoạt, tắm giặt, rửa chén,… sau một ngày làm việc, anh T. đành phải mua nước uống đóng chai để nấu ăn tạm thời.

Chiều ngày trước đó, ban quản lý chung cư gửi văn bản thông báo tới anh T. căn hộ của anh đang chậm thanh toán phí quản lý. Theo đó, đến 7h ngày 6/4, ban quản lý chung cư sẽ ngừng cung cấp dịch vụ theo quy định do không thanh toán đúng hạn.

“Thông báo đến buổi chiều tối thì sáng đã cắt nước nên tôi chưa kịp chuẩn bị nộp phí”, anh T. lý giải lý do.

 

cu dan bi cat nuoc sinh hoat anh 1

Nhiều cư dân chung cư Centana, Tp. Thủ Đức bị cắt nước sinh hoạt.

Không dám đi vệ sinh vì bị cắt nước

Tương tự trường hợp trên là câu chuyện của cư dân P. Căn hộ của chị bị cắt nước sinh hoạt trong sáng nay khiến mọi người trong gia đình không thể tắm rửa, nấu ăn, thậm chí không dám đi vệ sinh.

Bức xúc khi bị cắt đi nhu cầu sống tối thiểu, chị P. làm việc trực tiếp với trưởng ban quản lý tòa nhà và nhận được câu trả lời căn hộ của chị P. bị cắt nước do không thanh toán phí quản lý đúng thời hạn.

Lý giải về vấn đề này, chị P. cho rằng thỏa thuận ban đầu trong hồ sơ chào thầu của đơn vị quản lý quản lý Beehome chỉ có giá 10.000 đồng/m2/tháng nhưng hóa đơn báo giá dịch vụ của chị P. lại có giá 11.000 đồng/m2/tháng.

“Trước đây tôi đã xuống văn phòng ban quản lý trình bày chỉ đóng giá 10.000 đồng theo thỏa thuận ban đầu nhưng không được chấp nhận. Do không đạt được tiếng nói chung, tôi tạm dừng đóng phí quản lý để mong muốn nhận được sự đối thoại từ các bên liên quan chứ tôi không cố tình chậm phí. Trong thời gian này tôi vẫn đóng tiền phí nước”, chị P. bày tỏ.

“Đánh máy nhầm” giá phí quản lý

Trả lời chị P. vấn đề này, đại diện ban quản lý chung cư cho rằng nhà công ty cấp nước chỉ cấp nước từ nhà máy tới bồn chứa chung của chung cư. Nước từ bồn muốn vận chuyển lên từng căn hộ phải cần điện, nhân viên bảo trì,… Đây là nhưng dịch vụ nằm trong phí quản lý vận hành tòa nhà.

Do không chi trả phí quản lý nên căn hộ của chị P. bị cắt nước sinh hoạt. Tuy vậy, việc chị P. chủ động đóng phí theo thỏa thuận 10.000 đồng/m2/tháng nhưng không được lễ tân chấp nhận là do lễ tân đã truyền đạt thông tin sai.

 

cu dan bi cat nuoc sinh hoat anh 2

Một số cư dân chung cư không đồng ý mức phí quản lý 11.000 đồng/m2/tháng nên không nộp phí.

Cư dân nếu chưa đồng ý mức phí 11.000 đồng/m2/tháng có thể đóng mức như thỏa thuận ban đầu cho đến khi hội nghị nhà chung cư được tổ chức và thống nhất được mức giá chung. Sau khi trao đổi, chị P. đóng theo mức mong muốn đưa ra ban đầu thì đã được mở nước sinh hoạt trở lại chiều 6/4.

Về việc thay đổi mức phí quản lý từ 10.000 đồng/m2/tháng lên 11.000 đồng/m2/tháng, ban quản lý lý giải đây là “sơ suất kỹ thuật”.

Trong hồ sơ chào thầu gửi tới ban quản trị tại Hội nghị nhà chung cư là 10.000 đồng/m2/tháng, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, hồ sơ gửi đến cư dân để xin ý kiến lại ghi cùng mức phí trên nhưng đã bao gồm VAT là do nhân viên hành chính sai sót trong đánh máy, kiểm tra lại nội dung trước khi gửi đến cư dân.

“Công ty Beehome thực thu 11.000 đồng/m2/tháng bao gồm 10% VAT”, thông báo gửi đến cư dân nêu.

Hiện vẫn còn một số cư dân chung cư chưa đóng phí quản lý từ tháng 1 tới nay. Số khác chỉ đóng với mức 10.000 đồng/m2/tháng. Nội dung về phí quản lý và đơn vị vận hành, quản lý tòa nhà sẽ được thảo luận trong Hội nghị nhà chung cư dự kiến tổ chức trong tháng 4 để đưa đến thống nhất trong toàn bộ cư dân.

“Một đơn vị quản lý vận hành tòa nhà hàng nghìn con người không thể báo lỗi đánh máy như thế được, thật khó chấp nhận. Báo lỗi xong thì xin lỗi rồi thu mức phí không như thỏa thuận ban đầu nên tôi không đóng phí”, cư dân Đ. đưa ra quan điểm.


0378.59.00.99