Chiến sự ở Ukraine phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương khi phần lớn khu vực sẽ chứng kiến cảnh chuỗi cung ứng tắc nghẽn và giá hàng hóa bị đẩy cao.
|
Chỉ một tháng trước, các chuyên gia còn lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế châu Á – Thái Bình Dương trong năm nay. Làn sóng biến chủng Omicron đã khiến các nền kinh tế trong khu vực học cách sống chung với Covid-19 và mở cửa biên giới.
Tuy nhiên, “chiến dịch quân sự” của Nga tại Ukraine đã phủ bóng lên tâm lý phấn khởi này. Các vấn đề như lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đã xuất hiện chỉ trong một đêm.
Nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với lạm phát gia tăng không có dấu hiệu suy giảm, trong khi tốc độ tăng trưởng chậm lại. Ngay cả trước khi xảy ra giao tranh ở Ukraine, tình trạng tạm dừng hoạt động và thiếu hụt lao động do đại dịch đã khiến sản xuất chậm lại, trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn làm hàng hóa trở nên khan hiếm, đẩy giá cả lên cao.
Không chỉ vậy, rủi ro không thể biết trước từ đại dịch Covid-19 khiến các nền kinh tế tại châu Á ngày càng khó đoán định những gì sẽ xảy ra ở phía trước, theo South China Morning Post.
Giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm các nút thắt trong hệ thống chuỗi cung ứng thêm tắc nghẽn, dẫn đến việc vận chuyển chậm trễ các mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ, thực phẩm, linh kiện công nghiệp và thậm chí cả đồ trên sàn mua sắm trực tuyến.
Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, đồng thời chịu trách nhiệm sản xuất lượng lớn các mặt hàng quan trọng như dầu mỏ, khí đốt và dầu hướng dương. Tuy nhiên, các tuyến vận tải biển trong khu vực Biển Đen không hoạt động, hàng hóa không thể xuất khẩu, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung khiến giá cả tăng cao.
Ví dụ, giá điện ở Anh và châu Âu – phụ thuộc phần lớn vào khí đốt tự nhiên – đã tăng vọt do thiếu sản phẩm này. Tại Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, giá bột mì đã tăng khoảng 15%. Các nhà phân tích Ukraine nhận định vụ thu hoạch ngũ cốc năm 2022 có thể giảm mạnh do giao tranh ảnh hướng tới diện tích gieo sạ.
|
Các mặt hàng thiết yếu trên toàn cầu trở nên đắt đỏ vì giá nguyên liệu tăng. |
Giá dầu đạt mức cao nhất kể từ năm 2010-2011, khoảng 123 USD/thùng vào đầu tháng 3, nhưng sau đó hạ nhiệt. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Rystad Energy cho rằng “việc mua lại dầu với giá rẻ hơn có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Thị trường vẫn chưa nhận ra đầy đủ tác động tiềm tàng từ việc mất đi nguồn dầu của Nga đối với nguồn cung toàn cầu”.
Giá các nguyên liệu như than, đồng, nhôm và niken cũng tăng vọt, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất phải trả phí cao hơn. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, do các nhà sản xuất không đủ khả năng hoạt động vì giá nguyên vật liệu cao hoặc vì người tiêu dùng không mua hàng nữa, làm doanh nghiệp đóng cửa, từ đó, kéo theo tình trạng thất nghiệp.
Tuần này, các chuyên gia đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm.
Công ty tư vấn nghiên cứu Capital Economics cho rằng tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay sẽ đạt 3,2%, thay vì 4%. Họ cho rằng rằng hiện “châu Âu và Anh có nguy cơ đối mặt suy thoái”, nhưng các khu vực như châu Á – Thái Bình Dương sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s Investors Service dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng. Họ cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra suy thoái toàn cầu, mặc dù hầu hết nhà kinh tế học không nghĩ điều này sẽ xảy ra.
Hai trở ngại
Châu Á – Thái Bình Dương sẽ gặp phải trở ngại theo hai cách: Giá dầu và hàng hóa cao hơn, dẫn đến lạm phát kéo dài khi phần lớn khu vực nhập khẩu năng lượng; và nhu cầu hàng hóa từ các nền kinh tế như châu Âu đến chậm hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ là ngoại lệ trong số các nước nhập khẩu năng lượng ròng vì nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đủ lớn để chấp nhận giá cao hơn trong dài hạn, ngân hàng đầu tư Natixis cho biết.
Chuyên gia về thị trường toàn cầu châu Á David Chao lạc quan châu Á – Thái Bình Dương sẽ không ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là khi mối liên kết thương mại giữa Nga và khu vực này còn hạn chế.
Nhà kinh tế học Bernard Aw cho biết sự sụt giảm trong giao thương với châu Âu – khu vực có nguy cơ sắp rơi vào suy thoái – cũng sẽ cắt giảm tốc độ tăng trưởng ở châu Á.
Ông Aw dự đoán cứ giảm mỗi 1% điểm trong thương mại với khu vực đồng tiền chung châu Âu, tăng trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không tính Trung Quốc) sẽ có mức giảm trung bình 0,4% điểm.
|
Giá nhiên liệu tại nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đã tăng cao. |
Tại thời điểm này, một số quốc gia lại có lợi, đặc biệt với các nhà xuất khẩu năng lượng và hàng hóa như Australia, Indonesia và Malaysia. Những nước này có thể đẩy mạnh xuất khẩu để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt dầu, khí tự nhiên và các nguyên liệu thô khác, tăng nguồn cung các sản phẩm này.
Hiện tại, Thái Lan, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế do giá hàng hóa tăng đột biến. Ví dụ, Sri Lanka đã buộc phải tăng giá nhiên liệu hơn 40% vào tuần trước, trong khi Pakistan vật lộn để mua đủ lượng dầu diesel.
Châu Á – Thái Bình Dương cũng bắt đầu đối mặt với tình trạng thiếu hụt các mặt hàng lương thực như ngô, dầu hướng dương, lúa mì và lạm phát.
Tại Ấn Độ, các kệ hàng vẫn đầy đủ thực phẩm nhưng những người tiêu dùng như bà nội trợ Sharada Ram cho biết giá chắc chắn cao hơn.
“Dầu hướng dương tinh luyện hiện được bán với giá 2,30 USD/lít”, cô nói, cho biết điều này sẽ tác động đến các hộ gia đình, bao gồm tầng lớp trung lưu, sử dụng dầu để nấu ăn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng không quá lo ngại về tình trạng lạm phát đình trệ ở khu vực. Nhiều nền kinh tế, chẳng hạn như Trung Quốc, đã làm tốt trong việc khởi động hoạt động công nghiệp sau cú sốc đại dịch.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho biết “sự kết hợp giữa tăng trưởng và lạm phát” của khu vực tốt hơn so với châu Mỹ và châu Âu.
|
Người dân đi qua nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. |
Các chính phủ đang có kế hoạch gì?
Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh để giảm giá hàng hóa và nguyên liệu thô, trong khi nhiều chính phủ châu Á đang tăng cường các kênh cung ứng để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt. Các quốc gia Đông Nam Á, Australia và New Zealand đã tiến tới mở cửa biên giới để thúc đẩy kinh tế.
Trong thời kỳ đại dịch, phần lớn cán cân tài khóa của châu Á – Thái Bình Dương bị sụt giảm do chính phủ chi tiền cho các gói hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe và kiểm soát đại dịch.
Chính phủ trợ cấp cho vận tải và nhiên liệu nấu ăn đang phải đối mặt với áp lực tăng giá. Indonesia cho biết họ đang xem xét duy trì trợ giá để kiềm chế thâm hụt, trong khi Thái Lan có thể duy trì trợ cấp dầu diesel đến tháng 5.
Matteo Lanzafame, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Phát triển châu Á, gợi ý nên trợ cấp cho bộ phận dân số nghèo nhất. Một số chính phủ cũng có thể giảm thuế nhiên liệu.
Với cú sốc mới từ cuộc khủng hoảng Ukraine, nhiều ngân hàng trong khu vực vẫn chưa có động thái tăng lãi suất để hạ lạm phát, mặc dù các nhà kinh tế học kỳ vọng ngân hàng sẽ làm vậy một cách từ từ để không ảnh hưởng xấu đến sự phục hồi kinh tế nói chung. Lãi suất cao hơn sẽ kìm hãm các khoản đầu tư và hoạt động kinh tế.